Mô tả ngắn: Hồng sâm (Radix Ginseng Rubra) là cách gọi loại Nhân sâm đã qua chế biến từ những củ sâm đủ 6 năm tuổi có chất lượng tốt nhất, được trồng ở những vùng thổ nhưỡng phù hợp cũng như chăm sóc kỹ lưỡng.
Mô Tả Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Hồng sâm.
Tên khác: Không có.
Tên khoa học: Radix Ginseng Rubra.
Đặc điểm tự nhiên
Hồng sâm là vị thuốc được chế biến từ củ Nhân sâm tươi.
Nhân sâm là loài cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 0,6m. Rễ phát triển thành củ to. Lá mọc thành vòng, cuống lá dài, lá kép gồm các lá chét mọc thành hình chân vịt. Sự phát triển của cây Nhân sâm như sau:
-
Cây 1 năm tuổi có một lá với 3 lá chét.
-
Cây 2 năm tuổi có một lá với 5 lá chét.
-
Cây 3 năm tuổi có 2 lá kép với 5 lá chét.
-
Cây 4 năm tuổi có 3 lá kép với 5 lá chét.
-
Cây 5 năm tuổi trở lên thì có 4 - 5 lá kép, với 5 lá chét.
Mỗi lá chét có hình trứng, mép lá có hàng răng cưa sâu.
Rễ củ hình chùy hoặc hình trụ tròn, dài 3 - 10 cm, đường kính củ khoảng 1 - 2 cm. Bề mặt củ Nhân sâm thấu minh có màu nâu đỏ, có các khối màu nâu vàng xám không thấu minh, rãnh dọc, nếp nhăn và sẹo rễ nhỏ, phần trên có các đường vằn không rõ ràng, phần dưới có 2 - 3 rễ nhánh uốn cong chéo nhau. Thân rễ (hay còn gọi là Lô đầu) dài 1 - 2 cm, trên có sẹo rễ hình lõm (Lô uyển), có lúc mang 1 - 2 rễ bất định. Thể chất cứng giòn, mặt cắt bằng phẳng, chất gỗ.
Hồng sâm có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, hậu hơi đắng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Nhân sâm phân bố ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc…nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Nhân sâm Hàn Quốc.
Nhân sâm Hàn Quốc có hàm lượng saponin vượt trội và có các thành phần saponin quan trọng cao. Thời gian thu hoạch vào mùa thu. Thu hoạch cây Nhân sâm, rửa sạch, sau khi chưng chế, phơi khô.
Các củ Nhân sâm đạt chất lượng được đem hấp bằng hơi nước khoảng 72 giờ. Có thể hấp Hồng sâm bằng phương pháp chân không hoặc lò hấp bằng gạch nung.
Sau khi hấp, Hồng sâm được sấy khô để mất hơi nước còn 14% và đem phơi bằng ánh sáng tự nhiên.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận dùng là rễ phơi khô sau khi chế biến (chưng) của cây Nhân sâm.